Breaking News

Rồi lẻ loi như gió... - bài viết Phan Nam

Với một phong cách sáng tác vô cùng phóng khoáng và hiện đại, tập thơ “rồi lẻ loi như gió” (NXB hội nhà văn quý I/2016) tập hợp những bài thơ được tác giả Hồ Huy Sơn sáng tác trong khoảng thời gian đã lâu, thế nhưng cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như mới. Tập thơ được chia làm 2 phần rất rõ ràng: “cô đơn trong thế giới loài người” và “tôi là đứa trẻ hư” sẽ đưa độc giả khám phá một bản ngã của tác giả trẻ sinh năm 1985, sinh ra ở miền gió Lào cát trắng Nghệ An, và anh dấn thân vào thi ca như đang uống cạn huyết mạch suối nguồn. Lật mở từng trang thơ ta có thể thấy tác giả hoàn toàn làm chủ con chữ trong sự “vượt thoát” của nỗi cô đơn, trường liên tưởng rộng cộng với sự thành thật khi khai mở cảm xúc đã tạo nên nhiều bất ngờ cho độc giả, đặc biệt sẽ rất thú vị với các độc giả trẻ.
Có thể thấy ngay từ bài thơ đầu tiên “ngày chủ nhật” được tác giả sáng tác vào ngày 14.03.2013 gây ấn tượng bởi tầm khái quát cho cả phần đầu của tập thơ, nghĩa là thơ tự vấn tâm hồn tác giả, và nhà thơ đối diện với lòng mình trong nỗi cô đơn đã trào dâng trong mầm mống của sự sáng tạo: vách tường bầy mối trễ nãi/ để mặc xác chữ ốm o/ câu chuyện cổ tích khép lại/ ta tự nhốt mình quá lâu/ trong căn phòng thiếu nắng/ trách sao ý nghĩ lụi tàn... Tác giả tự nhận “ý nghĩ lụi tàn” nhưng khi từ từ đọc và cảm nhận xác chữ hoàn toàn bay bổng trong một không gian mênh mông, tất nhiên là ẩn chứa cái tôi cá nhân mãnh liệt của tác giả, đồng thời chính “cái tôi” ấy song hành cùng niềm đam mê và sáng tạo. Trong bài thơ “là lúc thơ tức nước vỡ bờ”, tác giả viết: “thơ sống lại rồi!/ người ta xúm quanh/ “sao mà dại dột?”/ nhưng thơ im lặng/ hồ huy sơn cũng im lặng/ cái tên đành viết thường” không chỉ ẩn chứa nỗi niềm cô đơn dằng vặc của một người làm thơ trẻ và nỗi buồn vùng vẫy khiến họ khao khát thoát khỏi cô đơn đang bủa vây khi đối diện với thi ca. Trong phần đầu tập thơ, tác giả có chủ ý đi tìm sức sống và sự tồn tại của thi ca trong đời sống xô bồ ngày nay, khi họ lên tiếng chính là bản lĩnh và trách nhiệm của người cầm bút. Và tất nhiên, trong dòng chảy của thời sự, có những dòng thơ bao dung rất lạ, nhường chỗ cảm xúc dâng trào:
Đường vẫn dài tít tắp
Tôi lẫn với hoàng hôn
Rồi lẻ loi như gió
Bạt ngàn trong ngày buồn
                         (Phía Bắc)
Làm sao biết gió lẻ loi, chắc có lẽ chỉ có mình tâm hồn tinh tế của thi sĩ mới tỏ tường, khi đường về vắng bóng giai nhân, những ngày tháng lạc nhau phải cần dùng đến “la bàn” để định vị. Thi ca không chỉ là cái duyên, cái nặng, cái nợ, cái nghiệp... mà còn là cái tình. Cái tình hiện diện rõ ràng trong giây phút “giãi bày”: thông thênh một nẻo về/ anh muốn được cùng em đi trên con đường dậy hương hoa sữa/ chúng mình rất yêu mùa thu/ cả anh và em đều tan ra trong mùi hương dịu ngọt/ bất chất những con gió lùa. Thật thi vị, lãng mạng và trong veo như cơn gió len lỏi qua mái nhà mang theo hương hoa nồng nàn để rồi trao nhau nụ hôn đầu tiên. Rồi “ô cửa” mở ra và cũng chính từ đây khơi nguồn tư tưởng cho mạch thơ ở phần sau của tập thơ, tôi nghĩ đây là những câu thơ vô cùng độc đáo và đáng trân trọng: chúng ta đi ra từ cửa mình của mẹ/ rồi mắc kẹt giữa nhân gian/ với muôn vàn ô cửa...
Trong phần hai “tôi là đứa trẻ hư” gồm 14 bài thơ với nhiều phân khúc về quê hương. Tác giả quay về nguồn cội với biết bao trăn trở, hoài niệm và dâng trào trong đó nổi bật là tình yêu sắt son với Tổ Quốc “rất thiêng liêng và đáng tự hào”. Tác giả nhớ về cánh đồng “xấp xõa cánh trắng”, ở nơi đó có “những giọt mồ hôi của cha đổ xuống/ tong tóc đường cày ban trưa”, và giấc mơ của đứa con: “ước/ vết chân chim thôi hằn lên vết mẹ/ ngày cuối năm không có người tới nhà đòi nợ/ mẹ về già cuộc sống ấm no”. Tác giả tự nhận mình là “đứa trẻ hư” nhưng khát khao về cánh đồng quê hương chưa bao giờ nguội tắt, phải chăng chính điều đó đã làm nên tên tuổi Hồ Huy Sơn trên thi đàn? Và còn nhiều, nhiều nữa nhưng điều đặc biệt khác trong tập thơ “rồi lẻ loi như gió”, tôi nghĩ đây không chỉ là cuốn sách dành cho người yêu thơ.

Đà Nẵng, tháng 04.2017
PHAN NAM.