Breaking News

Đào tạo nhân lực y tế còn nhiều hạn chế

Theo thừa nhận của lãnh đạo Bộ Y tế, trong thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực y tế đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn thách thức.

Hội thảo Đổi mới đào tạo nhân lực y tế Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 19-1-2016, ông Phạm Lê Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ở Việt Nam hiện nay không có chương trình đào tạo y tế đại học chuẩn hoặc kỳ thi cấp phép hành nghề y quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng năng lực và trình độ không đồng đều của các sinh viên tốt nghiệp trường y.
Đào tạo nhân lực y tế còn nhiều hạn chế
Các học viên ngành y trong giờ thực hành. Ảnh minh họa.
Chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo y dược đăng ký chương trình học bác sỹ nội trú (cao học), trong khi hầu hết các sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm tại các bệnh viện khác nhau và bước vào một giai đoạn thử việc và sau đó nhận được giấy phép hành nghề y.

Bên cạnh đó, Việt Nam không có chương trình thực tập quốc gia hoặc chương trình đào tạo chuyên ngành (một số trường đại học tổ chức đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, được gọi là Chuyên khoa 1 và Chuyên khoa II).

“Đó còn chưa kể, hiện Việt Nam cũng chưa có hệ thống kiểm định chuẩn cho các trường y và bệnh viện trực thuộc (các địa điểm đào tạo). Các tiêu chí kiểm định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2005 chưa công nhận việc giảng dạy y tế đòi hỏi cơ sở vật chất, thiết bị riêng và thực hành lâm sàng”, ông Cường thừa nhận.

Tại Hội thảo, ý kiến của lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng về thực trạng đào tạo y khoa hiện nay cho biết có không ít những khó khăn, hạn chế như chất lượng đào tạo chưa cao, cán bộ ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chính vì vậy, lãnh đạo nhiều trường đại học kiến nghị Việt Nam cần có quy trình kiểm định dựa trên các tiêu chí và các cơ chế giám sát do một số cơ quan quản lý thực hiện và có sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp.

Một số đại biểu khác kiến nghị Việt Nam cần có cơ chế đánh giá chất lượng đào tạo và đặc biệt phải có các tiêu chí đánh giá quốc gia và một kỳ thi cấp phép quốc gia để đánh giá xem sinh viên đã đạt được các năng lực cần phải có sau khi hoàn thành khóa học ở trường y và chương trình thực hành lâm sàng đủ 18 tháng.

Về chủ trương đổi mới đào tạo nhân lực y tế trong tương lai, ông Phạm Lê Cường thông tin, trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng dựa trên năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế.

Theo baohaiquan.vn